Phát biểu mới đây của một quan chức Mỹ đã gây ra những tranh cãi chưa có hồi kết, đó là công nghệ bán dẫn (chip) của Huawei đi sau nhiều năm so với công nghệ của các nhà sản xuất đến từ Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết trên tờ "60 Minutes" rằng, bà không ấn tượng với chip của Huawei (như chip trong phiên bản Mate 60 Pro). Tuy nhiên những công nghệ nhỏ bé đó đã khiến các quan chức Mỹ phải “toát mồ hôi” vào năm ngoái. Huawei bị Mỹ trừng phạt nặng nề đến mức chiếc điện thoại có khả năng 5G như Mate 60 Pro lẽ ra chưa được phát hành ra thị trường.
Cũng theo bà Gina Raimondo, các biện pháp kiềm chế của Mỹ đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei đang có hiệu quả: “khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của các cơ quan quản lý của Mỹ đang hoạt động, dẫn đến các con chip của Huawei cũng hoạt động không tốt và thậm chí là chậm hơn nhiều so với những con chip được chế tạo bởi các thương hiệu của Hoa Kỳ. Mỹ có chất bán dẫn tinh vi nhất trên thế giới, trong khi Trung Quốc thì không”.
Quan điểm của bà Gina Raimondo đưa ra cũng trùng khớp với những gì mà giới chuyên gia nghiên cứu của Mỹ đưa ra trong những ngày gần đây, đó là so sánh giữa chip Kirin 9010 mới của Huawei và chip Snapdragon ra mắt đã vài năm của Qualcomm.
Không chỉ tụt lại về số lượng, chip Kirin mới nhất không thực sự ấn tượng, vì chúng được sản xuất dựa trên quy trình không phải là mới nhất do các hạn chế mà chính phủ Mỹ ban hành trong những năm gần đây.
Cũng theo các chuyên gia nghiên cứu, Huawei vẫn tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất chip của mình nhưng nếu không có những hạn chế của Mỹ, thì hiệu suất của chúng sẽ ra sao? Con chip được tích hợp trên dòng Pura 70 mới ra mắt gần đây của Huawei rõ ràng có thể mang lại khả năng gửi ảnh qua vệ tinh khi thiết bị không có kết nối di động. Hiện tại chưa có điện thoại nào khác có thể làm được điều đó, kể cả iPhone.
Huawei vốn bị các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ đưa vào danh sách hạn chế thương mại từ năm 2019, nhưng đã gây ngạc nhiên cho cả ngành công nghiệp sản xuất smartphone trên thế giới và cho cả chính phủ Mỹ khi vào tháng 8 năm ngoái đã trình làng một chiếc điện thoại mới được trang bị chip tiên tiến hơn. Huawei Mate 60 Pro được coi là biểu tượng cho sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực liên tục mà chính quyền Washington đưa ra nhằm cản trở khả năng sản xuất công nghệ bán dẫn tiên tiến của nước này.
Mỹ đã tham gia vào một chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất của Bắc Kinh mua chip bán dẫn tiên tiến và các công cụ sản xuất cần thiết để sản xuất chip, với lý do lo ngại về khả năng chúng được sử dụng phục vụ cho các mục đích về quân sự.
Mặc dù vậy, các nhà cung cấp chip cho Huawei, bao gồm cả Intel vẫn được cấp giấy phép trị giá hàng tỷ USD để tiếp tục bán hàng cho công ty này. Việc Huawei ra mắt chiếc máy tính xách tay hỗ trợ AI đầu tiên được trang bị chip Intel, gần đây đã gây ra sự phẫn nộ trong nhiều quan chức Mỹ.
Khi được hỏi về quan điểm của mình về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã kiên quyết, “tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giống như bất kỳ ai khác.”
“Khi tôi nói với họ rằng họ không thể bán chất bán dẫn cho Trung Quốc, họ có thể không thích, nhưng đó là điều tôi làm”, bà Gina Raimondo nhấn mạnh.