Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo một loạt giải pháp để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc mà địa phương này kiến nghị.
Theo đó, về đầu tư, nâng cấp một số đoạn tuyến, nút giao của Vành đai 3 - TP.HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gồm Nút giao Tân Vạn; đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn; Cầu Bình Gởi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý về nguyên tắc sự cần thiết đầu tư, nâng cấp các công trình này như kiến nghị của Tỉnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Dương và các địa phương liên quan rà soát vốn kết dư của Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM, đề xuất phương án xử lý (bổ sung vào Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM hoặc triển khai bằng dự án riêng); Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 4 năm 2024, trong đó làm rõ về nguồn vốn, trình tự thủ tục, thẩm quyền.
Về đầu tư đoạn 15,3Km đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu đi trùng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 9103/VPCP-CN ngày 21 tháng 11 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, đề xuất cụ thể phương án đầu tư; Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM (cơ quan đầu mối Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM) và UBND tỉnh Bình Dương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2024.
Về đầu tư đường Vành đai 4 - TP.HCM, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện theo thẩm quyền đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29 tháng 9 năm 2021. Trường hợp cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng hoặc áp dụng chung cho toàn bộ Dự án đường Vành đai 4, UBND TP.HCM chủ trì, thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2024 để chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền tương tự như Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM.
Về mở rộng tuyến đường nối đường Vành đai 3 với sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất về chủ trương sự cần thiết đầu tư tuyến đường này để tăng cường kết nối vùng. UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Đồng Nai rà soát quy hoạch, thực hiện đầu tư theo thẩm quyền, đúng quy định.
Về Quy hoạch, đầu tư ga liên vận quốc tế Sóng Thần, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND tỉnh Bình Dương thống nhất với Bộ GTVT trong quá trình lập Quy hoạch đường sắt khu đầu mối TP.HCM, làm cơ sở cập nhật vào quy hoạch Tỉnh.
Về việc tích hợp tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến Ga An Bình vào quy hoạch phát triển công nghiệp đường sắt giúp kết nối vùng và bổ sung phương án bố trí vốn cho Bình Dương triển khai đầu tư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT nghiên cứu phương án tối ưu, trên nguyên tắc quy hoạch vị trí ga đường sắt phải thuận lợi, giảm tối đa chi phí, thời gian trung chuyển, bảo đảm lợi ích tổng thể và quy định pháp luật; xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương trong quá trình hoàn thiện các quy hoạch có liên quan.
Về quy mô quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Dương thống nhất quy mô đầu tư Dự án bảo đảm việc triển khai Dự án thuận lợi, phù hợp quy hoạch được duyệt, đúng quy định.
Về sử dụng phần tăng thu ngân sách để đầu tư các công trình trọng điểm, UBND tỉnh Bình Dương xác định rõ và khẳng định phương án bố trí nguồn vốn cho cải cách tiền lương và các đối tượng chính sách xã hội; trường hợp tăng thu ngân sách còn dư, UBND tỉnh Bình Dương gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc sử dụng cho đầu tư phát triển, bảo đảm đúng Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và các quy định pháp luật liên quan.
Về triển khai thực hiện di dời lưới điện trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với EVN, các cơ quan liên quan nghiên cứu hướng dẫn UBND tỉnh Bình Dương trong tháng 4 năm 2024, bảo đảm thuận lợi, kịp thời, đúng quy định.
Về triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương xem xét kiến nghị của Tỉnh Bình Dương trong quá trình tổng hợp các dự án của các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái.
Về việc phân chia dự án thành các dự án thành phần theo Luật Đầu tư công, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn trong tháng 4 năm 2024.
Về khu công nghệ thông tin, khu công nghiệp khoa học công nghệ tại tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương chủ động phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật; rà soát, bổ sung quy hoạch tỉnh để phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.